Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện (Tập 27)

Thứ sáu - 08/12/2023 21:23

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 27)

Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển trung, trang 79, chúng ta đem Kinh văn ra đọc một lần.

“HÀ HUỐNG LÂM MỆNH CHUNG NHÂN TẠI SANH VỊ TẰNG HỮU THIỂU THIỆN CĂN, CÁC CỨ BỔN NGHIỆP TỰ THỌ ÁC THÚ. HÀ NHẪN QUYẾN THUỘC CÁNH VI TĂNG NGHIỆP. THÍ NHƯ HỮU NHÂN TÙNG VIỄN ĐỊA LAI, TUYỆT LƯƠNG TAM NHẬT, SỞ PHỤ ĐẢM VẬT CƯỜNG QUÁ BÁCH CÂN, HỐT NGỘ LÂN NHÂN, CÁNH PHỤ THIỂU VẬT, DĨ THỊ CHI CỐ CHUYỂN PHỤC KHỐN TRỌNG”.

(Huống gì là người kia chết, lúc sanh tiền chưa từng làm được chút phước lành, đều theo ác nghiệp của họ đã gây tạo mà tự phải sa đọa vào ác đạo. Hàng thân thuộc nỡ nào lại làm cho tội nghiệp của người ấy nặng thêm! Cũng ví như, có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, đồ vật của người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm).

Đây là ví dụ. Ý nghĩa của ví dụ rất rõ ràng, ví dụ có một người, người này từ rất xa đến nơi này. Thời trước đây giao thông không phát triển, người lữ hành đại đa số đều là đi bộ. Đường đi xa thì đương nhiên sẽ vô cùng mệt mỏi, tiêu hao sức lực. Nếu như ba ngày không được ăn cơm, thì nỗi khổ của họ, chúng ta có thể tưởng tượng là biết ngay. Và người này không phải chỉ đi bộ du lịch, mà họ còn gánh hành lý. Gánh hành lý này nặng đến một trăm cân, đây là gánh hành lý rất nặng. Ba ngày chưa được ăn cơm, còn đi đường xa nữa, vậy là rất mệt rồi! Đây là dụ cho người sắp mạng chung ở phía trước, lúc còn sống không có làm việc gì tốt cả. Sau khi chết đương nhiên theo hạnh nghiệp của họ thì họ phải nhận lấy quả báo của mình.

“Hốt ngộ lân nhân, cánh phụ thiểu vật” (Bỗng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa).

Đây là ví như người thân quyến thuộc không biết, còn muốn sát sanh cúng tế làm cho tội nghiệp của họ nặng thêm. Tiền đồ của họ đương nhiên sẽ càng khó khăn hơn. Ví dụ này dễ hiểu.

Chúng ta xem tiếp đoạn Kinh văn dưới đây:

“THẾ TÔN! NGÃ QUÁN DIÊM PHÙ CHÚNG SANH, ĐÃN NĂNG Ư CHƯ PHẬT GIÁO TRUNG, NÃI CHÍ THIỆN SỰ NHẤT MAO NHẤT TRÍCH, NHẤT SA NHẤT TRẦN, NHƯ THỊ LỢI ÍCH, TẤT GIAI TỰ ĐẮC”.

(“Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét những chúng sanh trong cõi Diêm phù đề, ở nơi trong giáo pháp của Phật, nếu có thể làm việc phước lành cho đến chừng bằng sợi lông, giọt nước, bằng một hột cát, một mảy bụi nhỏ, thời tất cả chúng sanh đó đều tự mình được lợi ích cả”).

Đây là Bồ-tát Địa Tạng nói những lời này với Thế Tôn. Nói thực ra, nói với Thế Tôn chính là để Thế Tôn làm chứng minh cho Ngài, lời Ngài nói ra mỗi câu đều là chân thật. Dụng ý của cách nói này đích thực là vì chúng ta.

“Diêm Phù chúng sanh” (chúng sanh cõi Diêm Phù Đề) chính là những người chúng ta đây. “Đãn năng ư chư Phật giáo trung” (ở nơi trong giáo pháp của Phật). Hai chữ “Phật giáo” này là mấu chốt. Ngày nay nhắc đến Phật giáo có phải là ý nghĩa của chữ Phật giáo ở trong tưởng tượng của chúng ta hay không? Không phải. Đây là ở trong giáo huấn của tất cả chư Phật, Phật dạy chúng ta như thế nào, chúng ta có hiểu hay không? Chúng ta có làm được hay không? Thật sự hiểu rõ rồi, chịu làm, mặc dù làm được một chút xíu thiện nhỏ, “nhất mao nhất trích, nhất sa nhất trần” (chừng bằng sợi lông, giọt nước, bằng một hột cát, một mảy bụi nhỏ). Đây là nói ít, hình dung tu thiện ít. Mao là sợi lông, sợi lông trên cơ thể chúng ta. Đây là thứ nhỏ nhất ở trong chánh báo của chúng ta. Trần sa “hạt cát, hạt bụi” là thứ nhỏ nhất ở trong y báo, đều là hình dung thiện nhỏ. Cái thiện nhỏ này, bạn sẽ nhận được toàn bộ lợi ích, huống chi là thiện lớn? Những điều trong Phật pháp dạy, dù thiện nhỏ đi nữa cũng xứng tánh. Đã là xứng tánh thì thiện này nói thực ra là không có lớn nhỏ. Thiện lớn cũng trọn khắp hư không pháp giới, thiện nhỏ cũng trọn khắp hư không pháp giới, thậm chí bạn khởi một niệm tâm thiện, một niệm tâm lợi ích chúng sanh, thì quả báo cũng không thể nghĩ bàn. Bồ-tát Địa Tạng nói những lời này, người mới học quả thật rất khó tiếp nhận. Có phải Phật Bồ-tát dùng những lời này để khuyến khích chúng ta, chứ chưa chắc là chân thật? Chúng sanh tiếp xúc Phật pháp, đặc biệt là người mới học thì những nghi hoặc này có thể nói là vô cùng phổ biến. Đó hoàn toàn là dùng tâm phàm phu của chúng ta để đo lường cảnh giới của chư Phật Bồ-tát, vậy là quá đỗi sai lầm. Tâm phàm phu chúng ta là vọng tâm, còn tâm chư Phật Bồ-tát dùng là chân tâm. Vọng tâm thì vĩnh viễn không thể duyên đến được cảnh giới chân thật. Ở trong Kinh luận pháp tướng nói rất nhiều, công năng của ý thức thứ sáu là mạnh nhất ở trong tám thức, đối với bên ngoài nó có thể duyên đến hư không pháp giới, đối với bên trong nó có thể duyên đến A-lại-da thức. Nhưng đáng tiếc là nó không cách gì duyên đến tự tánh được. Quý vị nên biết Nhất Chân Pháp Giới là tự tánh, nó có thể duyên đến hư không pháp giới, có thể duyên đến thập pháp giới. Vì không có cách gì duyên Nhất Chân Pháp Giới, không có cách gì duyên đến tự tánh, cho nên kiến giải và trí tuệ của phàm phu làm sao có thể biết cảnh giới của Phật Bồ-tát được? Dựa vào vọng tưởng của mình, tưởng tượng cảnh giới của Phật Bồ-tát là hoàn toàn sai rồi! Đây là điều chúng ta nhất định phải biết. Trí tuệ chân thật là gì? Hai chướng phá rồi thì trí tuệ chân thật mới hiện tiền. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, chúng ta có phiền não chướng, có sở tri chướng, không những có mà còn vô cùng nghiêm trọng, thì làm gì có trí tuệ? Mình cho rằng mình cảm thấy rất có trí tuệ, trong Phật pháp gọi đó là thế trí biện thông. Thế trí biện thông không thể giải quyết vấn đề.

Mời xem Kinh văn dưới đây:

“THUYẾT THỊ NGỮ THỜI, HỘI TRUNG HỮU NHẤT TRƯỞNG GIẢ DANH VIẾT ĐẠI BIỆN. THỊ TRƯỞNG GIẢ CỬU CHỨNG VÔ SANH, HÓA ĐỘ THẬP PHƯƠNG HIỆN TRƯỞNG GIẢ THÂN”.

(Khi Ngài Ðịa Tạng nói lời như thế xong, trong pháp hội có một vị Trưởng Giả tên là tên là Ðại Biện. Ông Trưởng Giả từ lâu đã chứng quả vô sanh hiện thân Trưởng Giả để hóa độ chúng sanh trong mười phương).

Đến đây là một đoạn nhỏ. Từ trong đoạn Kinh văn này, chúng ta mới biết rõ trưởng giả Đại Biện cũng là chư Phật Như-lai thị hiện. “Cửu chứng vô sanh” (từ lâu đã chứng quả vô sanh). Câu nói này là Ngài đã thành Phật từ rất lâu rồi. Ngài độ hóa chúng sanh trong mười phương thế giới. “Hiện thân Trưởng Giả”, đây là thị hiện. Cần dùng thân Trưởng Giả mà được độ, thì Ngài liền hiện thân Trưởng Giả. Tham gia pháp hội Địa Tạng, giúp đỡ Thế Tôn và Bồ-tát Địa Tạng Vương giáo hóa chúng sanh. Ngài đứng ra hỏi, khi một người hỏi một người đáp này là nhằm phá trừ nghi hoặc của chúng ta. Bên dưới nói:

“HIỆP CHƯỞNG CUNG KÍNH, VẤN ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT NGÔN”.

 (Ông chắp tay cung kính mà thưa hỏi Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát rằng:)

“Hiệp chưởng cung kính” là hết sức kính trọng, là lễ độ, thỉnh giáo Bồ-tát Địa Tạng. “Đại sĩ” là lời xưng tán Bồ-tát.

“THỊ NAM PHÙ ĐỀ CHÚNG SANH MỆNH CHUNG CHI HẬU, TIỂU ĐẠI QUYẾN THUỘC, VỊ TU CÔNG ĐỨC, NÃI CHÍ THIẾT TRAI TẠO CHÚNG THIỆN NHÂN, THỊ MỆNH CHUNG NHÂN ĐẮC ĐẠI LỢI ÍCH CẬP GIẢI THOÁT PHỦ”.

(Thưa Ðại Sĩ! Trong cõi Nam Diêm Phù Ðề có chúng sanh nào sau khi mạng chung, mà hàng quyến thuộc hoặc người lớn kẻ nhỏ, vì người chết đó mà tu các công đức, cho đến thiết trai cúng dường, làm những phước lành, thời người chết đó có đặng lợi ích lớn cùng đặng giải thoát chăng?).

Ý nghĩa của những câu thỉnh giáo này không khó hiểu. Đây là nói chúng sanh trong thế gian này của chúng ta sau khi qua đời, người thân quyến thuộc của họ tu những công đức cho họ, ví dụ “Thiết trai”. Ý nghĩa của thiết trai rất rộng. Giống như ở trong tập tục hiện nay có đốt vàng mã, Mông Sơn thí thực, đây đều là thiết trai, đây là mời quỉ thần ăn cơm. Cũng như việc tu phước cúng Trai Tăng ở thế gian. Vào thời xưa gia đình giàu có, thiết trai cúng dường cả nghìn vị Tăng, và tạo đủ thứ nhân thiện khác, làm nhiều việc thiện hồi hướng cho người đã mất này. Người đã mất này, có phải bởi nhờ người thân quyến thuộc tu công đức cho họ, nên họ được lợi ích lớn phải không? Họ có được giải thoát không? Chúng ta thử xem lời khai thị của Bồ-tát Địa Tạng.

“ĐỊA TẠNG ĐÁP NGÔN: TRƯỞNG GIẢ! NGÃ KIM VỊ VỊ LAI HIỆN TẠI NHẤT THIẾT CHÚNG SANH, THỪA PHẬT UY LỰC, LƯỢC THUYẾT THỊ SỰ”.

(Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát đáp rằng: Này ông Trưởng Giả! Nay tôi vì tất cả chúng sanh trong hiện tại này cùng thuở vị lai sau, nương nơi oai thần của Ðức Phật mà nói lược về việc đó).

Bồ-tát Địa Tạng trả lời, xưng là “Trưởng Giả”, đây là cung kính lẫn nhau. Trưởng Giả xưng Bồ-tát là Đại Sĩ, Bồ-tát xưng Ngài là Trưởng Giả. Ngài đã hỏi rồi, thì tôi hiện tại      vì “vị lai” (“vị lai” là chỉ chúng ta), “hiện tại” (“hiện tại” là lúc đó), “nhất thiết chúng sanh thừa Phật uy lực lược thuyết thị sự” (vì tất cả chúng sanh, nương nơi oai thần của Ðức Phật mà nói lược về việc đó).

Câu “Thừa Phật uy lực” này là tôn sư trọng đạo, không dám cho rằng mình có thể nói được. Sự và lý này quá sâu, quá rộng, tôi đâu thể nói được? Nương nơi oai thần của đức Phật gia trì mới có thể nói được. Thực ra Bồ-tát Địa Tạng đã thành Phật từ lâu rồi, cũng là thị hiện thành thân Bồ-tát. Trong số học trò có vô lượng vô biên người đã thành Phật rồi, thì đâu có lý nào Thầy chưa thành Phật chứ? Đây là chứng tỏ chư Phật Như-lai đại từ đại bi, hạ thấp thân phận xuống thành Bồ-tát để thuận tiện độ hóa chúng sanh. Quý vị đều biết Phật pháp là sư đạo, chúng ta đối với thầy phải tôn kính. Nếu đến chỗ của Thầy để cầu học, sẽ không thuận tiện bằng thân phận Bồ-tát đến. Bồ-tát với chúng ta là bạn học. Họ là học trò của Phật, chúng ta cũng là học trò của Phật. Họ là học trò thời kỳ đầu, là học khóa trước chúng ta, cùng thân phận học trò. Cho nên chúng ta không cầu, họ có thể đến tìm chúng ta. Thầy không có lý nào đi tìm học trò, nhưng bạn học thì được, vậy sẽ thuận tiện cho việc giáo hóa rất nhiều, “làm người bạn không mời cho tất cả chúng sanh”. Chỉ cần quan sát thấy cơ duyên của chúng sanh chín muồi, thì họ sẽ chủ động đến. Đây là phương tiện độ hóa chúng sanh của thân phận Bồ-tát. Cho nên Bồ-tát Địa Tạng vĩnh viễn ở vào địa vị Bồ-tát, nguyên nhân là ở chỗ này.

“TRƯỞNG GIẢ! VỊ LAI HIỆN TẠI CHƯ CHÚNG SANH ĐẲNG, LÂM MỆNH CHUNG NHẬT ĐẮC VĂN NHẤT PHẬT DANH, NHẤT BỒ-TÁT DANH, NHẤT BÍCH CHI PHẬT DANH, BẤT VẤN HỮU TỘI, VÔ TỘI TẤT ĐẮC GIẢI THOÁT”.

(Này ông Trưởng Giả! Những chúng sanh ở hiện tại hay vị lai, lúc sắp mạng chung mà nghe đặng danh hiệu của một Ðức Phật, danh hiệu của một Bồ Tát hay danh hiệu của một Bích Chi Phật, thời không luận là có tội cùng không tội đều được giải thoát cả).

Lợi ích này thật sự là quá lớn, quá lớn rồi. Quí vị nhất định phải biết niệm sau cùng nhất lúc lâm chung là mấu chốt. Đời sau bạn đi về cõi nào là do một niệm sau cùng này. Nghiệp mà cả đời bạn tạo là rất nhiều, huống chi còn có đời quá khứ, nghiệp tích lũy đời đời kiếp kiếp là vô lượng vô biên. Đức Phật nói trong Kinh, nếu như nghiệp mà bạn tạo nó có thể tích, thể tích dù nhỏ như hạt bụi đi nữa, thì nghiệp đã tạo là tận hư không cũng không thể chứa hết. Nghĩ lại trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp vô lượng kiếp đến nay. Cái ví dụ hình dung này của Phật không có gì là quá đáng. May mà tội nghiệp này không có thể tích, không có hình tướng, nhưng nó lại sinh ra sức mạnh. Sức mạnh này đã tạo ra luân hồi, biến hiện ra đủ thứ cảnh giới khổ. Nhưng một người, đời sau đi về cõi nào để thọ sanh, thật sự là quyết định ở niệm cuối cùng này. Niệm này đương nhiên là niệm mạnh nhất trong tất cả toàn bộ ý niệm. Đức Phật nói trong Kinh, nghiệp nhân của chúng ta là vô lượng, nghiệp nào mạnh thì dẫn đầu đi trước. Nghiệp nhân nào có sức mạnh nó sẽ đi thọ báo trước. Nếu như không nghe Phật pháp thì người này trong lúc mạng chung họ sẽ nghĩ về những gì? Nếu như họ nghĩ về người thân quyến thuộc, ân ái khó buông bỏ, thì họ sẽ đi về cõi quỉ, vì tâm tham nặng. Nếu như nghĩ đến oan gia đối địch vẫn chưa có báo thù, vậy thì đi địa ngục, vì tâm sân hận nặng. Mê hoặc điên đảo, đi trong mơ mơ hồ hồ, thì đi về cõi súc sanh. Cái này là nhiều nhất, phổ biến nhất. Cho nên vào lúc này là thời khắc mấu chốt, nghe danh hiệu Phật, nhất tâm nghĩ tưởng Phật, thì họ làm sao không giải thoát được? Nếu như lúc lâm chung có thể nghe được danh hiệu Phật A-Di-Đà, người này cả đời không có tiếp xúc Phật pháp bao giờ, lúc sắp mạng chung mới có người dạy họ niệm Phật A-Di-Đà, dạy họ niệm Phật, dạy họ cầu vãng sanh Tịnh Độ, Phật đến tiếp dẫn đi với Phật A-Di-Đà, thì họ đi làm Phật rồi.

Năm xưa ở thủ đô Washington DC nước Mỹ, tiên sinh Chu Quảng Đại, đó là điển hình rất nổi bật. Ba ngày trước khi mất ông mới gặp được Phật pháp. Khi người ta nói cho ông biết ông liền tin ngay, liền tiếp nhận ngay, và đã niệm Phật ba ngày, đức Phật đến tiếp dẫn ông vãng sanh. Đây là người thân quyến thuộc là thiện tri thức. Gặp được người dạy ông niệm danh hiệu Bồ-tát, niệm danh hiệu Bích Chi Phật, cho dù không thể vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì cũng chắc chắn được phước báo nhân thiên. “Giải thoát” chính là giải thoát ra từ ba ác đạo. Từ ba ác đạo giải thoát ra sanh về ba thiện đạo, đây là ở trong Phật giáo. Nếu như họ có thể hiểu rõ ý nghĩa tượng trưng của danh hiệu Phật Bồ-tát, thì họ được lợi ích công đức sẽ thù thắng hơn nữa, họ thật sự có thể khế nhập cảnh giới. Cho nên sự việc này chúng ta phải nhớ kỹ, khi tiễn đưa người sắp mất nhất định phải khuyên người ta niệm Phật. Nếu như người thân quyến thuộc đều có thể trợ niệm, vậy là vô cùng thù thắng. Niệm Phật hằng ngày đều là vì một niệm lúc lâm chung này, hy vọng thường ngày niệm cho thành thục, đến lúc lâm chung không bị quên mất. Thường ngày phải buông xả vạn duyên, thì lúc lâm chung mới không có chướng ngại, cái gì cũng phải buông xả. Đối với thế gian này thật sự không có một mảy may tham luyến nào, thì vãng sanh mới tự tại được. Chỉ cần có dính nhiễm một mảy may tham luyến, thì niệm Phật vãng sanh lúc lâm chung sẽ có chướng ngại. Bản thân chúng ta phải biết cho thật rõ ràng, minh bạch. Lúc lâm chung có gặp được thiện tri thức hay không? Có gặp được một số người giúp đỡ hay không? Là rất khó nói! Cho nên chúng ta biết sự việc này, nên thường ngày phải kết nhiều thiện duyên, muốn kết nhiều thiện duyên thì phải tham gia trợ niệm nhiều. Bạn có thể thường xuyên giúp đỡ trợ niệm cho người sắp lâm chung, đây là nhân. Đến khi mình lâm chung, thì nhất định sẽ có người đến giúp đỡ bạn. Thường ngày không chịu giúp đỡ người khác, thì lúc lâm chung chắc chắn sẽ không có người giúp đỡ bạn. Nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy. Cho nên thường ngày phải gieo nhân thiện, thì bạn mới có thể được quả thiện. Nhất định phải tin lời Bồ-tát Địa Tạng dạy ở chỗ này.

Xem tiếp Kinh văn dưới đây, đây đều là lời Bồ-tát Địa Tạng dạy:

“NHƯỢC HỮU NAM TỬ NỮ NHÂN, TẠI SANH BẤT TU THIỆN NHÂN, ĐA TẠO CHÚNG TỘI, MẠNG CHUNG CHI HẬU, QUYẾN THUỘC TIỂU ĐẠI, VI TẠO PHƯỚC LỢI, NHẤT THIẾT THÁNH SỰ, THẤT PHẦN CHI TRUNG, NHI NÃI HOẠCH NHẤT, LỤC PHẦN CÔNG ĐỨC SANH GIẢ TỰ LỢI”.

(Như có người nam cùng người nữ nào lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác, sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả việc về Thánh đạo, thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó).

Đạo lý này nhất định phải biết. Chúng ta ngày nay xem thấy, người thân quyến thuộc trong thế gian này làm Phật sự cho người chết. Thông thường thỉnh người xuất gia là thỉnh bảy vị. Tại sao vậy? Bảy phần công đức họ mới có thể được một phần. Tụng Kinh phải tụng bảy bộ, đều là từ trong Kinh này mà ra. Họ chỉ có thể được một phần bảy, còn sáu phần bảy là bản thân người tụng Kinh, niệm Phật được hưởng. Đây là nói ra tỉ lệ, họ có thể được lợi ích bao lớn, hoàn toàn xem bản thân người sống được lợi ích bao lớn. Người tụng Kinh, nếu như trong lúc tụng Kinh, khai ngộ chứng quả rồi. Chứng quả tức là vào được cảnh giới trong Kinh. Đại đức xưa dạy chúng ta, khi đọc Kinh tùy văn nhập quán. Tùy văn nhập quán mọi người phải nghe cho rõ ràng, không phải vừa xem Kinh vừa khởi vọng tưởng, thế là bạn hoàn toàn sai rồi! Không phải vừa đọc Kinh vừa nghĩ Kinh này có ý nghĩa gì, đọc như vậy thì ta và người đều không có được lợi ích. Vẫn không bằng thật thà niệm từ “Như thị ngã văn” đến “tín thọ phụng hành” mà không có một vọng niệm nào cả, thì mới có công đức, công đức này là tâm thanh tịnh. Bạn tu tâm thanh tịnh, bạn ở trong đây tu định, họ được lợi ích. Nếu như có thể nhập quán. Quán là không dùng tâm ý thức. Dùng tâm ý thức là tư tưởng, không phải quán, là vọng tưởng. Không dùng tâm ý thức mà khế nhập cảnh giới này mới gọi là quán. Đây là từ trong định khai tuệ. Đọc bộ Kinh này, cảnh giới trong Kinh biến thành cảnh giới của mình, ta người không hai, sanh Phật nhất như, nhập cảnh giới này rồi, thì người chết này được lợi ích. Lợi ích đó là không thể nghĩ bàn, họ được lợi ích công đức thù thắng nhất. Lợi ích công đức thù thắng nhất, xin thưa quý vị, cũng chỉ có thể giúp họ sanh về trời Đao Lợi, nhưng được phước báo lớn ở trong trời Đao Lợi. Nếu như người chết này lúc còn sống là người niệm Phật, là người hiểu rõ Phật pháp, là người niệm Phật, vậy sau khi họ qua đời, tụng Kinh sau khi họ nghe rồi, rất có thể nhắc nhở họ niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, vậy thì họ chắc chắn sẽ được sanh Tịnh Độ. Cho nên những việc Phật sự siêu độ là làm tăng thượng duyên cho họ, chỉ sợ họ quên mất, nên đặc biệt đến nhắc nhở họ. Nếu như lúc họ còn sống không có tiếp xúc Phật pháp, vậy thì rất khó. Nếu hoàn toàn dựa vào phước, thì họ chỉ có thể đạt đến trời Đao Lợi. Lợi ích này lớn hay nhỏ không bằng nhau. Trong Kinh văn nói rất rõ ràng, rất minh bạch, chúng ta tự mình phải tư duy, tại sao siêu độ họ có thể được lợi ích. Phần trước cũng đã từng nói qua với quý vị rồi. Nếu như không phải nhờ họ qua đời, thì quyến thuộc người trong gia đình sẽ không tu phước và cũng sẽ không được lợi ích thù thắng. Bởi vì nguyên nhân này, nên người thân quyến thuộc mới tu phước, mới lễ lạy sám hối, mới tụng Kinh, mới lễ Phật. Đây là người chết tạo tăng thượng duyên tu phước cho người thân quyến thuộc. Nguyên do như vậy, nên họ được một phần bảy phước báo. Phước mà người thân quyến thuộc tu càng lớn, thì họ sẽ được lợi ích càng lớn, đạo lý là ở chỗ này.

“DĨ THỊ CHI CỐ, VỊ LAI HIỆN TẠI, THIỆN NAM NỮ ĐẲNG, VĂN KIỆN TỰ TU, PHẦN PHẦN KỶ HOẠCH”.

(Bởi vì cớ trên đây, nên những người thiện nam cùng thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng mà tu hành thời đặng hưởng trọn phần công đức).

Bởi vì nguyên do này, cho nên Bồ-tát Địa Tạng nói: “Vị lai hiện tại, thiện nam nữ đẳng, văn kiện tự tu”. “Kiện” là sức khỏe của bạn rất khỏe mạnh. “Văn” là sáu căn của bạn rất thông minh. Bạn hiểu rõ đạo lý này, biết sự thật này, nhân lúc cơ thể khỏe mạnh, bạn phải chăm chỉ nỗ lực tự tu, thì phước báo mà bạn được là viên mãn, phần nào mình cũng thảy đều thu được. Ở trong chú giải, Pháp sư Thanh Lương trích dẫn một đoạn ở trong “Kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh”. Chúng ta hãy đọc qua đoạn này một chút. Đoạn này cũng là do Bồ-tát Phổ Quảng nói, ở hàng thứ nhất trang 85, “Kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh”:

“Phổ Quảng Bồ-tát bạch Phật ngôn: Nhược thiện nam nữ vị chung chi thời, nghịch tu sanh thất, nhiên đăng huyền phan, thỉnh Tăng chuyển Kinh, đắc phước đa phủ. Phật ngôn: Kỳ phước vô lượng” (“Bồ-tát Phổ Quảng hỏi đức Phật rằng: Nếu người thiện nam thiện nữ khi còn chưa chết, tu trước cho mình, thắp đèn treo phan, thỉnh mời chư Tăng tụng Kinh, thì được phước có nhiều không? Đức Phật đáp: Phước ấy vô lượng).

Đoạn này có thể làm ấn chứng cho Kinh này.

Lại nói: “Phụ mẫu thân tộc, mệnh chung thọ khổ, vị kỳ tu phước, đắc phước đa phủ” (Khi cha mẹ thân tộc chết thọ khổ, ta vì họ tu phước, thì họ được phước có nhiều không?). Đây là tu cho người khác.

“Phật ngôn: Thất phần hoạch nhất” (Đức Phật đáp: Bảy phần được một).  Bảy phần công đức họ được một phần, là cũng giống như trong Kinh này nói vậy.

Phía trước Bồ-tát Phổ Quảng hỏi: “Nghịch tu sanh thất”. Tức là người vẫn chưa chết, tức là nói khi chúng ta hiện nay tự mình tu, thỉnh pháp sư đến chuyển Kinh. Thỉnh pháp sư chuyển Kinh. Ý nghĩa của chữ chuyển là thỉnh pháp sư tụng Kinh và thỉnh pháp sư giảng Kinh đều gọi là chuyển Kinh. Hầu hết mọi người lúc còn sống không biết làm Phật sự siêu độ cho mình trước, việc này là rất ít. Nhưng mời pháp sư giảng Kinh, công đức này rất lớn. Có năng lực thì một mình bạn mời, như thế công đức này là mình hưởng trọn. Mình không có năng lực, thì cùng với vài người bạn đạo đồng tham, chúng ta cùng nhau đi mời. Mời Pháp sư giảng một bộ Kinh, hoặc giả mời Pháp sư giảng Kinh một ngày, thì công đức cũng không thể nghĩ bàn. Bạn thử nghĩ xem, có người nào trong đời đã từng mời Pháp sư đến giảng Kinh một lần chưa? Vô cùng hiếm có. Giống như chúng tôi đến nơi khác để giảng Kinh, chúng tôi thường đến Hồng Kông, qua đó giảng ba ngày, những đồng tu bên đó, rất nhiều người tập hợp sức lại với nhau, thuê mượn một giảng đường, mời một số bạn đồng tu lại để nghe giảng, đều là cái ý này trong Kinh nói. Ở trong tình hình này, chúng ta là người hiểu biết, thì đừng làm buổi diễn giảng bình thường. Diễn giảng bình thường thì họ được công đức rất nhỏ, nên giảng Kinh. Nếu như mời chúng ta giảng một giờ, hai giờ, giảng một lần, vậy chúng ta giảng Kinh gì? Có thể trích một đoạn trong Kinh văn để giảng, vẫn là giảng Kinh. Tôi không thể giảng toàn bộ Kinh, thì giảng đại ý của cả bộ Kinh, hoặc là trích một vài đoạn trong Kinh văn để giảng. Đây là người hiểu biết, người trong nghề.

Kỉ niệm một năm Hồng Kông trao trả về Trung Quốc, đồng tu bên đó mời tôi qua giảng Kinh, thời gian chỉ có sáu ngày, mười hai giờ đồng hồ. Chúng tôi cảm kích sự nhiệt tâm hộ pháp của họ, tôi qua giảng "Kinh Vô Lượng Thọ". "Kinh Vô Lượng Thọ" mười hai giờ đồng hồ thì làm sao giảng xong được? Chúng tôi trích lục ra một cuốn sách. Cuốn sách này quý vị đều nhìn thấy rồi. Từ trong "Kinh Vô Lượng Thọ" trích ra sáu mươi điều, mỗi một điều đều là Kinh văn. Đây chính là “thỉnh tăng chuyển Kinh”, là do mọi người mời, kết hợp lại với nhau mời.

Chúng ta phải hiểu đạo lý này, phải biết mình nên làm như thế nào. Đặc biệt là người thân quyến thuộc của chúng ta, thấy họ cả đời không có làm việc gì tốt, bản thân họ mê hoặc điên đảo. Người học Phật chúng ta biết rất rõ, có thể nhìn thấy ra tiền đồ của họ. Làm sao giúp đỡ họ? Phương pháp này giúp đỡ thù thắng hơn hết thảy, là mời pháp sư giảng Kinh. Chúng ta đứng ra khởi xướng, phát động, mời họ đến tham dự, họ sẽ được phước. Dùng loại phương pháp này để tiếp dẫn họ. Cho nên phương tiện thiện xảo rất nhiều.

Chúng ta xem tiếp đoạn Kinh văn này dưới đây: “Duyên tiền sanh bất tín đạo đức cố” (bởi do lúc còn sống không tin đạo đức). Duyên là bởi vì họ lúc còn sống không tin đạo đức. Đoạn bên dưới này là: “Nhược dĩ vong giả nghiêm thân chi cụ” (nếu dùng đồ vật của người chết lúc còn sống dùng). “Nghiêm thân chi cụ”, dùng cách nói hiện nay để nói chính là những đồ như vàng vòng, châu báu, đồ trang sức mà họ cất giữ, đây là nghiêm thân chi cụ. “Ốc trạch viên lâm” (nhà cửa đất đai). Nhà cửa đất đai của họ. Ốc trạch là nhà cửa. Viên lâm là đất đai. “Dĩ thí Tam Bảo, khả bạt địa ngục chi khổ” (dùng để cúng dường Tam Bảo, thì có thể loại bỏ nỗi khổ địa ngục). Mặc dù cả đời tạo tác tội nghiệp cực nặng, trước lúc chết nếu như có thể đem tất cả tiền của của họ cúng dường Tam Bảo, thì phước này có thể vượt qua tội nghiệp đọa địa ngục của họ. Nguyên nhân là gì? Cúng dường Tam Bảo, mỗi ngày đều có người xuất gia, những người xuất gia tu hành, người tại gia tu hành này mỗi ngày ở nơi đây tụng Kinh lễ sám, thì một phần bảy công đức này là lớn rồi, là quá lớn rồi. Đạo lý là ở chỗ này. Nhưng mà chỗ này cần phải biện biệt rõ, ở trong Tam Bảo có thật giả. Đạo tràng Phật pháp chân chánh, đạo tràng Phật pháp chánh pháp mới có hiệu quả này. Nếu như không phải chánh pháp, thế gian hiện nay là giống như lời trong "Kinh Lăng Nghiêm" nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông      Hằng”, có rất nhiều Phật pháp giả, đạo tràng giả, mượn danh nghĩa Phật giáo làm những chuyện trái lại với lời giáo huấn của Phật Đà. Đó là tạo tội nghiệp. Nếu như bạn dùng tiền của này bố thí cúng dường cho người mất, là giúp họ tạo tội nghiệp, thúc đẩy họ tạo tội nghiệp, làm vậy phải đọa địa ngục càng đọa càng sâu. Không những không thể thoát khỏi mà còn đọa sâu hơn nữa. Đây là điểm cần phải biện biệt rõ.

Gần đây đồng tu bên Hồng Kông điện thoại nói cho tôi biết, Hồng Kông có một vị pháp sư hơn 80 tuổi rồi, Thầy có một đạo tràng muốn quyên góp hiến tặng cho người xuất gia. Điều kiện của Thầy là phải có năm người xuất gia, năm Tỳ Kheo Thầy mới chịu tặng. Thầy ở vùng Thuyên Loan Hồng Kông này. Điều kiện này hay, nhưng mà rất khó, sợ rằng đến lúc Thầy vãng sanh cũng không thể tìm ra được năm Tỳ Kheo. Đây là nói lời thành thật, quá khó rồi! Cách nghĩ như vậy là chính xác, nhưng mà tương đối khó khăn. Cho nên ở thời đại này chúng ta cần phải biết không thể tìm ra được năm Tỳ Kheo. Mặc dù là cư sĩ tại gia tín đồ Phật giáo có chánh tín làm việc hoằng pháp lợi sinh cũng là việc tốt rồi, thật sự là hoằng pháp lợi sinh. Hoặc giả là mình làm thành đạo tràng tu học, làm thành đạo tràng tu hành niệm Phật, đạo tràng lưu thông Phật pháp, đó là công đức chân thật. Xem tiếp Kinh văn dưới đây:

“VÔ THƯỜNG ĐẠI QUỈ, BẤT KỲ NHI ĐÁO, MINH MINH DU THẦN VỊ TRI TỘI PHƯỚC, THẤT THẤT NHẬT NỘI, NHƯ SI NHƯ LUNG”

(Con quỉ dữ vô thường kia không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ chưa rõ là tội hay phước, trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc).

Đây là Bồ-tát ở chỗ này nói cho chúng ta biết tình trạng sau khi con người chết rồi. Thế Tôn ở trong Kinh điển thường hay nhắc nhở chúng ta: Cõi nước mong manh, mạng người vô thường. Đây là Thế Tôn nói cho chúng ta biết chân tướng của nhân sinh, dạy chúng ta từng giây từng phút phải đề cao tâm cảnh giác, phải có tâm cảnh giác cao độ. Nhất định không được cho rằng ta vẫn còn trẻ, tuổi thọ của ta vẫn còn rất dài, vậy là bạn sai rồi! Người xưa thường nói: “Đường xuống suối vàng không có phân biệt già hay trẻ, mồ cô quạnh đều là của thiếu niên”. Không có người cúng tế, chết khi còn rất trẻ, không có gia đình, không có con cái, đều biến thành mồ cô quạnh, nhất định phải đề cao cảnh giác.

“Vô thường đại quỉ, bất kỳ nhi đáo” (con quỉ dữ vô thường kia không hẹn mà đến).   Câu nói này tức là nói mạng người vô thường, đều có thể chết bất cứ lúc nào. Bạn cũng không có cách gì biết trước được nhân duyên gì mình sẽ chết. Đặc biệt là sanh vào thế gian này hiện nay của chúng ta, tai nạn biến đổi quá nhiều quá nhiều rồi. Bạn thấy toàn thế giới nơi nào cũng có tai nạn: có nạn nước, hiện nay miền đông nước Mỹ có nạn gió bão. Ngày hôm kia trong bản tin tức có đăng phải sơ tán hơn 500 nghìn người, nạn gió bão rất lớn. Động đất, đều là không có cách gì dự báo được. “Bất kỳ nhi đáo” (không hẹn mà đến). Cho nên trong tâm người học Phật biết rất rõ ràng, rất minh bạch, cho dù những tai nạn hiện nay có xảy ra cũng không sợ hãi, điều này vô cùng quan trọng. Khi tai nạn xảy ra nếu như kinh hoàng sợ hãi, thế thì hỏng rồi! Kinh hoàng sợ hãi là đi ba đường ác rồi. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên ngày hôm kia báo cáo với mọi người, ông đi tiễn đưa một số người vãng sanh. Sau khi họ vãng sanh ông giúp họ vệ sinh thân thể, chăm sóc nhập liệm. Có một số người vãng sanh thân mình mềm mại, đại khái niệm Phật vãng sanh, tuyệt đại đa số thân thể đều mềm mại, đây là tướng lành. Có một số người ra đi thân mình cứng đơ. Đây là do nguyên nhân gì? Kinh hoàng, sợ hãi thì cơ thể sẽ cứng ngắc. Người ra đi rất tự tại, không hề sợ hãi chút nào cả, thì cơ thể của họ sẽ mềm mại. Cho nên chúng ta có thể từ người sắp mạng chung nhìn ra được tình trạng lúc họ ra đi, nếu họ chết tốt thì chắc chắn không rơi vào ác đạo, thấy họ lúc ra đi rất tự tại, rất an ổn tốt lành, rất rõ ràng, thần trí sáng suốt thì chắc chắn không đọa ác đọa. Niệm Phật vào lúc này nhất định vãng sanh. Cho nên tiễn đưa người vãng sanh, nhìn thấy được những tướng lành này, đạo lý là ở chỗ này. Nếu như không tin Phật pháp thì không gặp được thiện tri thức. Lúc sắp mạng chung gặp được thiện tri thức là phước báo lớn. Có người vào lúc này nhắc nhở họ, giúp đỡ, dẫn dắt họ niệm Phật. Cho dù cả đời tạo tội nghiệp nặng đi nữa cũng không sợ, cũng có thể vãng sanh, đó gọi là đới nghiệp vãng sanh. Chỉ sợ vào lúc này không có người giúp đỡ họ, còn có người quấy rối họ, người thân quyến thuộc đến khóc lóc, ồn náo thế thì xong rồi! Đây là đại chướng ngại.

Bốn câu dưới đây là nói tình trạng của họ:

“Minh minh du thần” (thần hồn vơ vẩn mịt mờ). Đây chính là hồn phách của họ, trong Phật pháp chúng ta gọi là A-lại-da thức, người thế tục gọi là linh hồn. “Du thần” chính là linh hồn. Nhà Phật gọi du thần là rất chính xác. Nói linh hồn đó là lời tâng bốc. Tại sao vậy? Chắc chắn không linh. Nếu họ linh thì sao lại rơi vào trong ác đạo? Họ rơi vào ác đạo, có thể thấy họ không linh. Lời Khổng Lão Phu Tử nói ở trong “Kinh Dịch” cũng rất có đạo lý, Ngài nói là du hồn. Chúng ta ở đây gọi là du thần, cách nói này rất có đạo lý. Bởi vì tốc độ của nó rất nhanh, trôi dạt bất định, quả đúng là du hồn. Trong “Kinh Dịch” nói: “Du hồn vi biến”. Biến tức là họ đi đầu thai, họ lại đi đổi một thân thể khác.

“Minh minh du thần, vị tri tội phước”. Vào lúc này thật sự là như ngây như điếc, là rất ngây dại. Trong bốn mươi chín ngày là ở tình trạng này. Thông thường chúng ta nói là thân Trung Ấm. Cho nên thân Trung Ấm là mê hoặc, là ngây dại.

“HOẶC TẠI CHƯ TƯ, BIỆN LUẬN NGHIỆP QUẢ, THẨM ĐỊNH CHI HẬU, CỨ NGHIỆP THỌ SANH. VỊ TRẮC CHI GIAN, THIÊN VẠN SẦU KHỔ, HÀ HUỐNG ĐỌA Ư CHƯ ÁC THÚ ĐẲNG”.

(Hoặc ở các ty sở để biện luận về nghiệp quả, khi thẩm định xong thời cứ y theo nghiệp mà thọ lấy quả báo. Trong lúc mà chưa biết chắc ra làm sao đó thời đã nghìn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo).

“Hoặc tại chư tư” (hoặc ở các ty sở). Tư ở đây là cõi quỉ. Là những cơ quan làm việc ở trong cõi Ngạ Quỉ này, là biện luận ở trong các pháp đình đó. Có người nói họ tạo bao nhiêu tội nghiệp, bản thân họ không thừa nhận, nên ở nơi đó để biện luận. Người thế gian có khi tạo tội nghiệp rồi quên mất, cũng có người cố ý không thừa nhận. Nhưng ở cõi Âm, quỉ thần có ghi chép cả. Ngạn ngữ nói rất hay: “Ngẩng đầu ba thước có thần linh”. Trong Kinh Phật nói cho chúng ta biết, con người từ lúc ra đời liền có hai vị thần thường xuyên đi theo bạn, một vị tên là Đồng Sanh, một vị tên là Đồng Danh. Tất cả hạnh nghiệp mà bạn tạo tác, họ đều ghi chép lại. Đến lúc sắp mạng chung, gặp vua Diêm La, thì hồ sơ ở chỗ vua Diêm La rất đầy đủ, từng li từng tí trong đời bạn đều không thể chối cãi được, cho nên ở nơi đó biện luận. Sau khi thẩm định xong thì “cứ y theo nghiệp mà thọ sanh”. Bạn đi đầu thai ở cõi nào, thì phải đi thôi. Trong "Kinh Địa Tạng" nói rất rõ ràng. Vua Diêm La có quyền lực tăng thêm tội cho bạn, hoặc là miễn xá tội cho bạn hay không? Không có quyền lực. Ngài rất công bằng, chánh trực. Dựa theo những gì bạn đã tạo mà phân phát cho bạn. Ngài không có quyền lực tăng thêm tội cho bạn, cũng không có quyền lực miễn xá tội cho bạn. Nếu như Ngài tăng thêm, hoặc miễn xá là phạm pháp rồi. Cho nên tiền đồ cả đời của mình, thật sự là do chính mình làm chủ, chứ không phải do họ làm chủ. Điều này chúng ta nhất định phải biết. Lúc này người chết phải tiếp nhận những sự phán xử này ở Âm Gian, vẫn chưa có định án, họ rất sầu khổ. “Thiên vạn sầu khổ” (muôn nghìn sầu khổ), đây là lúc chưa có định án. Sau khi định án xong, nếu như nói nghiệp ác nặng, thì nhất định phải đến ba ác đạo để thọ sanh. Đi thọ sanh ở ba ác đạo cũng có nghiệp duyên. Tìm cha mẹ ở cõi súc sanh, thì cha mẹ đó trong đời quá khứ có duyên phận với họ. Ở trong cõi Ngạ Quỉ và ở trong cõi địa ngục phần nhiều là hóa sanh. Ở trong cõi Quỉ cũng có thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh. Còn ở trong địa ngục hoàn toàn là hóa sanh. Nếu như không phải hóa sanh, mà là thai sanh hoặc noãn sanh thì nhất định phải tìm cha mẹ. Duyên, Phật đã nói rất rõ ràng, tóm lại không ngoài bốn loại: báo ơn, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Người chưa có giác ngộ đời đời kiếp kiếp phải làm cái việc này. Sau khi giác ngộ rồi, thì sẽ khác.

Con người sau khi giác ngộ, đó là trong khoảng một niệm, họ chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, chuyển nghiệp báo thành thị hiện. Chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian, cần dùng thân gì để độ, Ngài liền thị hiện thân ấy. Cho nên chuyển cảnh giới thật sự là trong khoảng một niệm. Một niệm này của chúng ta có thể chuyển lại được hay không? Nói trên lý luận là chắc chắn được. Nói trên sự, thì hoàn toàn xem trình độ giác ngộ của bản thân bạn. Bạn thật sự giác ngộ rồi, thì rất dễ dàng chuyển trở lại được. Làm sao biết chuyển trở lại? Người chuyển trở lại được chắc chắn không có mình. Nếu như vẫn còn ta, thì chắc chắn chưa chuyển trở lại, bởi vì bạn còn chấp ngã. Đây là phàm phu, không phải Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát không có ngã. Nếu dùng tiêu chuẩn của "Kinh Kim Cang" thì quí vị sẽ rất dễ dàng hiểu được, không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả, là bạn chuyển trở lại rồi. Nếu như bạn vẫn còn bốn tướng trên thì bạn chưa có chuyển trở lại. Muốn chuyển như thế nào, nỗ lực chuyển như thế nào cũng không thể chuyển lại được. Bạn muốn hỏi tại sao? Bởi vì bạn có tưởng, bạn có niệm. Tưởng là vọng tưởng, bạn có phân biệt, bạn có chấp trước thì bạn không thể chuyển lại được. Cho nên thật sự muốn chuyển trở lại thì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xả. Khởi tâm động niệm nghĩ đến tất cả chúng sanh, là bạn chuyển trở lại rồi. Cái thân này của chúng ta có được từ cha mẹ, là thân nghiệp báo. Một khi chuyển trở lại thì đây là hóa thân thị hiện, hoàn toàn không có sanh tử, hoàn toàn không có phiền não, hoàn toàn không có nhân ngã thị phi, vậy là bạn thật sự chuyển trở lại rồi. Thật sự chuyển trở lại, thì đời sống, công việc của họ cũng giống như bình thường vậy, không có thay đổi, nhưng tâm lý thay đổi. Trước đây là vì mình, hoặc là vì gia đình, hoặc là vì đoàn thể của mình. Hiện nay là vì tận hư không khắp pháp giới, thị hiện giống như chư Phật Bồ-tát không hai không khác, đây gọi là siêu phàm nhập Thánh. Đây gọi là thật sự dứt sanh tử, ra khỏi tam giới, vào cảnh giới của Phật Bồ-tát. Chúng ta học Phật nếu có thể khế nhập cảnh giới này mới là thành tựu viên mãn. Nếu nói đến phương pháp dụng công, nói thực ra chính là nhìn thấu, buông xả. Thật sự nhìn thấu, thật sự buông xả là được rồi. Đoạn Kinh văn này, Pháp sư Thanh Lương chú giải tương đối phong phú, quý vị có thể tự mình tham khảo. Mời xem Kinh văn dưới đây:

“THỊ MẠNG CHUNG NHÂN VỊ ĐẮC THỌ SANH, TẠI THẤT THẤT NHẬT NỘI, NIỆM NIỆM CHI GIAN, VỌNG CHƯ CỐT NHỤC QUYẾN THUỘC DỮ TẠO PHƯỚC LỰC CỨU BẠT”.

(Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi chín ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho).

Đây là sự thật, lúc còn sống không biết, sau khi chết rồi gặp phải khổ nạn, vào lúc này không có nơi nương tựa, thật sự là lẻ loi hiu quạnh. Hy vọng duy nhất của họ là hy vọng người thân quyến thuộc có thể tu phước cho họ, có thể siêu độ họ. Nhưng có rất nhiều người thân quyến thuộc không hiểu rõ đạo lý này, thuận theo tập tục của thế gian, giống như lời trong Kinh phía trước nói, sát sanh cúng tế quỉ thần, cầu tà đạo giúp đỡ. Võng Lưỡng chính là tà đạo. Không những chẳng giúp ích được gì trái lại còn có hại. Đây là do người thế gian không biết, không có người hướng dẫn. Chúng ta nói đến sự đáng thương, nói đến sự thê thảm, thì không gì bằng điều này, còn nghiêm trọng hơn so với thọ khổ nạn cực lớn lúc còn sống ở thế gian, không biết lớn hơn gấp bao nhiêu lần! Trong Kinh nói tội phước, đích thực chính là chỉ thập thiện, thập ác. Chúng ta không cần nói quá cao, đừng nói quá huyền bí, chỉ nói rất đơn giản, lấy ngũ giới, thập thiện làm tiêu chuẩn. Phá giới, tạo ác là tội nghiệp vô biên. Trì giới tu phước. Tu phước chính là chăm chỉ làm theo thập thiện nghiệp đạo, đây là gốc rễ chính yếu của việc làm người chúng ta. Cho nên sau khi chết rồi, dựa vào người khác đến giúp đỡ, đó là một ẩn số. Đặc biệt là vào thời đại hiện nay, những thành phần đáng tin cậy ngày càng thấp. Người trong xã hội hiện nay cho rằng đây là mê tín. Chúng ta thử xem người tuổi trẻ thế hệ sau, nếu như không có người cố gắng chỉ dạy họ, thì ai còn có thể tin được? Hay nói cách khác, sau khi chết rồi, gặp phải những chuyện khổ nạn này, bạn mong ai đến giúp đỡ bạn? Không có ai giúp đỡ. Sự thật này là vấn đề thiết thực của chúng ta, vả lại nghĩ đến nó là sự việc trước mắt, với bản thân chúng ta về mặt thời gian mà nói là thật vô cùng gần gũi. Đức Phật ở chỗ này chỉ dạy chúng ta, nhắc nhở chúng ta, hiện nay khi thân thể còn đang khỏe mạnh, thì nhất định phải chăm chỉ nỗ lực tu học, công đức, phước đức này mình hưởng được trọn vẹn.

Đây là cúng thất, là căn cứ của việc cúng thất cho người sau khi chết, đây là căn cứ trong Kinh điển.

“QUÁ THỊ NHẬT HẬU, TÙY NGHIỆP THỌ BÁO”.

(Qua khỏi bốn mươi chín ngày thời cứ theo nghiệp mà thọ lấy quả báo).

“Thị nhật” chính là trong bốn mươi chín ngày. Tuyệt đại đa số trong bốn mươi chín ngày đều chuyển thế. Ở đây cũng không biết đi luân hồi về cõi nào? Đại đa số. Cũng có một số ít trong bốn mươi chín ngày chưa có đi đầu thai, có một số ít, thậm chí là vài năm, mấy chục năm cũng vẫn chưa đi đầu thai, đều ở trong trạng thái của Trung Ấm. Đây là loại người nào vậy? Là người đặc biệt chấp trước, họ không có đi đầu thai. Người đặc biệt chấp trước thân thể, chúng ta thường gọi là quỉ giữ thây ma, họ không có đi đầu thai, họ không nỡ rời khỏi thân thể của họ. Loại quỉ này phần lớn là gì? Là họ ở trong mồ mã. Ngoài ra là ví dụ người không nỡ từ bỏ nhà cửa của họ, thường thường họ cũng không đi đầu thai, ngôi nhà đó biến thành nhà ma. Có loại tình trạng này nhưng là thiểu số. Đại đa số đều theo nghiệp mà đi thọ báo cả. Người chấp trước tương đối nhẹ tùy nghiệp mà đi thọ báo.

“NHƯỢC THỊ TỘI NHÂN, ĐỘNG KINH THIÊN BÁCH TUẾ TRUNG, VÔ GIẢI THOÁT NHẬT”.

(Người chết đó, nếu là kẻ có tội thời trải qua trong nghìn năm không có ngày nào được thoát khỏi).

Thời gian chúng ta ở cõi người rất ngắn ngủi, rất ít người có thể sống được một trăm tuổi. Trong thời gian ngắn như vậy, những tội nghiệp đã tạo này cũng quá đủ cho bạn thọ rồi. Trong lúc bạn thọ báo: “Thiên bách tuế trung, vô giải thoát nhật” (thời trải qua trong nghìn năm không có ngày nào được thoát khỏi), bạn phải thọ quả báo này. Đây là nói điều gì vậy? Bạn ở cõi Ngạ Quỉ, bạn ở cõi súc sanh. Thọ báo trong cõi súc sanh, đừng cho rằng tuổi thọ của nó rất ngắn ngủi, súc sanh ngu si, súc sanh chấp trước, cho nên rất khó thoát ra thân hình của nó. Đức Phật ở trong Kinh đã từng nói qua, năm xưa có một ổ kiến trong Vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Đức Phật nói cho mọi người biết ổ kiến này trải qua bảy đức Phật nhập diệt rồi, nó vẫn chưa có thoát khỏi thân kiến. Không phải nói tuổi thọ của kiến rất dài, sau khi chết rồi, vẫn đầu thai thành kiến ở trong ổ này. Mà bởi vì nó chấp trước cái ổ đó là nhà của nó, chấp trước cái thân hình đó chính là nó, sau khi chết rồi vẫn làm kiến. Thông thường chúng ta nói, một đức Phật ra đời là ba đại A-tăng-kỳ-kiếp, bảy đức Phật là hai mươi mốt A-tăng-kỳ-kiếp, nó cũng chưa thể thoát khỏi thân kiến. Bạn nói có nguy hiểm không? Cho nên đây là việc rất đáng sợ! Những việc ngu si khờ dại này, nói lời thành thật, mỗi người chúng ta đều đã từng làm qua, không chỉ làm một lần, mà không biết là đã làm bao nhiêu lần rồi, vô lượng kiếp đến nay. Hiện nay trong đời này gặp được Phật pháp, đọc được Kinh điển, nghe được Phật khai thị, sáng tỏ trở lại rồi. Có phải thật sự sáng tỏ trở lại hay không? Thật sự sáng tỏ thì bắt đầu từ hôm nay nhất định không làm việc khờ dại này nữa. Nếu như vẫn còn tạo mười nghiệp ác, vẫn còn hủy phạm ngũ giới là bạn chưa có sáng tỏ, bạn không phải thật sự sáng tỏ. Người thật sự sáng tỏ sẽ không làm nữa. Trong một đời này, phải hạ quyết tâm vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Không những nói thân thể của chúng ta, cái thân này là thân cuối cùng. Đầu thai ở trong lục đạo luân hồi, đây là thân cuối cùng của ta. Còn phải tiến thêm một bước nữa, lập tức chuyển đổi cái thân này thành thân ứng hóa, chuyển nghiệp báo của chúng ta thành thị hiện. Bạn học Phật như vậy là thật sự có công phu, thật sự có thành tựu rồi, bạn đạt được lợi ích viên mãn. Tiên sinh Phương Đông Mỹ năm xưa nói: “Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người”. Có lẽ sự hưởng thụ cao nhất của Thầy vẫn chưa có đạt đến cảnh giới cao như thế này. Thật sự ở trong đời này có thể chuyển phàm thành Thánh. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường nói thay đổi tâm lý, đem tâm phàm phu, tâm luân hồi của chúng ta chuyển đổi thành tâm Bồ-tát, chuyển đổi thành tâm Phật. Tâm luân hồi chính là mười nghiệp ác, thập thiện, thập ác. Tâm Bồ-tát là thanh tịnh, bình đẳng, giác. Dùng thanh tịnh, bình đẳng, giác hành lục độ Ba-la-mật. Quý vị nên biết, thanh tịnh, bình đẳng, giác hành lục độ Ba-la-mật chính là thập đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền, đây là sự chuyển đổi lớn. Bên dưới nói:

“NHƯỢC THỊ NGŨ VÔ GIÁN TỘI, ĐỌA ĐẠI ĐỊA NGỤC, THIÊN KIẾP VẠN KIẾP VĨNH THỌ CHÚNG KHỔ”.

(Còn nếu là kẻ phạm năm tội vô gián thời phải đọa vào đại địa ngục chịu mãi những sự đau khổ trong nghìn kiếp muôn kiếp).

Đây là sự thật. Ở xã hội ngày nay, tạo năm tội vô gián rất dễ dàng. Vào thời xưa, người trước đây đều coi trọng giáo dục. Tuy trường học không nhiều, dường như giáo dục không có phát triển như hiện nay, đây là người thông thường nhìn từ khía cạnh hình tướng. Thực ra hình tướng cũng chưa thấy rõ ràng. Người xưa coi trọng giáo dục hơn người hiện đại chúng ta, người không biết chữ cũng coi trọng giáo dục, không giống như hiện nay. Hiện nay, nói lời thành thật, xây trường học rất nhiều, lập ra rất nhiều đại học, lập ra rất nhiều viện nghiên cứu, mà lơ là giáo dục. Người xưa luôn nghĩ đến tương lai, đều biết có đời sau, cho nên họ đều biết nghĩ cho đời sau, biết tích đức, biết hành thiện. Người hiện nay không biết đạo lý này, người hiện nay tạo tác đều là tự tư tự lợi, chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến người khác, cho nên tất cả hành vi, tóm lại không ngoài chuyện làm những việc tổn người lợi mình. Đây là tư tưởng của người hiện nay. Nhưng làm tổn hại người có phải thật sự là lợi mình không? Việc lợi mình đó chính là trong Kinh đức Phật ví như liếm mật trên lưỡi dao, cho rằng mình đạt được lợi ích, thực ra là mình tạo ra năm tội Vô Gián. Bản thân bạn ngày nay được lợi ích, bạn có thể hưởng thụ được mấy ngày? Bạn có thể hưởng thụ được những gì? Nói thực ra là cũng không được gì cả. Bạn nói bạn có được của cải, của cải ở đâu? Trên người một xu cũng không có, chỉ là những con số rỗng tuếch, hết sức trừu tượng. Nhà cửa đất đai của bạn nhiều đi nữa, chỗ bạn đang đứng đó chiếm diện tích chưa đến một thước. Tối bạn đi ngủ, cũng chẳng qua cái giường là một thước tám mà thôi, bạn được cái gì? Được là vô lượng vô biên tội nghiệp, là bạn được những thứ này. Những tội nghiệp này tương lai là phải thọ quả báo ở địa ngục Ngũ Vô Gián, là bạn đi làm những chuyện này. Quý vị thử nghĩ xem đây đâu phải là giáo dục? Đó dứt khoát là tà thuyết, là hầm lửa, là âm mưu. Hiện nay không phải giáo dục, giáo dục hiện nay đã không còn nhìn thấy nữa rồi. Giáo dục thời cổ đại của Trung Quốc là dạy bạn luân lý đạo đức. Bạn hiểu rõ rồi, bạn có thể làm được, sẽ không mất phước báo nhân thiên, đời sau vẫn có thể hưởng thụ phước báo nhân thiên, nhất định không bị đọa địa ngục, đây là giáo dục. Giáo dục của nhà Phật còn thù thắng hơn nữa, giúp bạn thoát khỏi lục đạo, thoát khỏi luân hồi, giúp bạn làm Phật, làm Bồ-tát. Làm Phật, làm Bồ-tát là khôi phục tánh đức viên mãn của mình, không gian sống của chúng ta là tận hư không khắp pháp giới. Hư không pháp giới là chính mình, bạn là thật sự đạt được rồi. Nếu bạn chưa giác ngộ thì một chút      cũng không thể đạt được. Nếu như bạn thật sự giác ngộ thì tận hư không khắp pháp giới, bạn hoàn toàn đạt được rồi, như thế làm sao giống nhau được?

Mời xem Kinh văn dưới đây:

“PHỤC THỨ TRƯỞNG GIẢ, NHƯ THỊ TỘI NGHIỆP CHÚNG SANH MỆNH CHUNG CHI HẬU, QUYẾN THUỘC CỐT NHỤC VI TU DOANH TRAI TƯ TRỢ NGHIỆP ĐẠO. VỊ TRAI THỰC CÁNH, CẬP DOANH TRAI CHI THỨ, MỄ CAM THÁI DIỆP BẤT KHÍ Ư ĐỊA, NÃI CHÍ CHƯ THỰC VỊ HIẾN PHẬT TĂNG, VẬT ĐẮC TIÊN THỰC”.

(Lại vầy nữa, này ông Trưởng Giả! Sau khi những chúng sanh gây phạm tội nghiệp như thế mạng chung, hàng cốt nhục thân quyến có làm chay để giúp thêm phước lành cho người chết đó. Thời khi sắm sửa chưa rồi, cùng trong lúc đương làm chớ có đem nước gạo, lá rau v.v... đổ vãi ra nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dâng cúng cho Phật cùng Tăng thời chẳng được ăn trước).

Đây là nói rõ người thân quyến thuộc tu phước cho người chết, đã nêu ra một ví dụ. Ở trong ví dụ này, quý vị nhất định phải biết tinh thần của nó ở trong đó. Tại sao họ lại được phước? Đều ở hai chữ “Thành kính”. Khi không có tâm thành kính, dù làm theo phương pháp này vẫn không thể được phước. Chỉ có chí thành cung kính, chứ không có gì khác. Tâm thành kính là tánh đức, tâm thành kính là chánh giác. Cho nên quý vị phải biết, không thành kính đó là tướng mê hoặc, đó là nghiệp chướng. Thành kính là giác ngộ, thành kính là tánh đức bộc lộ ra, thành kính là Bát nhã phóng quang. Ở đây nêu ra một ví dụ, là ví dụ “doanh trai”. “Doanh” là tổ chức, là chế tạo, tức là bạn đang làm tiệc chay. Đây là trong cửa Phật chúng ta thông thường gọi là cúng ngọ. Cúng bữa trưa đó gọi là doanh trai. Doanh trai bạn phải chú ý đến: “Vị trai thực cánh, cập doanh trai chi thứ” (thời khi sắm sửa chưa rồi, cùng trong lúc đương làm), là khi bạn đang làm những món chay, và cơm chay này phải có tâm cung kính. “Mễ cam thái diệp bất khí ư địa” (chớ có đem nước gạo, lá rau v.v... đổ vãi ra nơi đất). Đây là kính trọng đồ vật. Mễ cam là gì? Là nước vo gạo. Cơm chay này của ta là để cúng chay, cúng dường chư Phật, cúng dường quỉ thần, đối với các Ngài có tấm lòng tôn kính như vậy. Khi việc làm chay này của chúng ta chưa làm xong, thì nước vo gạo cũng không được đổ tùy tiện, không được đổ vãi ra nơi đất. Chân thành cung kính đến mức độ này. Nhất định phải đợi đến khi sự việc này làm viên mãn rồi, thì mới xử lý số rác này. Nước vo gạo, lá rau đều là đồ bỏ đi, không dùng đến. Đây là điểm mà người làm đồ chay hiện nay rất ít người biết. Lá rau nhặt ra không dùng lập tức liền vứt bỏ, huống chi là nước vo gạo?

“Nãi chí chư thực vị hiến Phật Tăng, vật đắc tiên thực” (cho đến các thứ đồ ăn chưa dâng cúng cho Phật cùng Tăng thời chẳng được ăn trước).  “Tiên thực” là gì? Nếm thử mùi vị. Ở trong nhà bếp, bạn nấu ăn thường hay nếm mùi vị. Đó là gì? Sau khi bạn ăn rồi mới cúng Phật, là đại bất kính. Đây là hầu hết mọi người thường hay phạm mà không biết, không ý thức, không được phép. Điểm này người Trung Quốc không bằng người nước ngoài, những người đầu bếp nước ngoài tuyệt đối không có nếm thức ăn. Tại sao vậy? Nó không có vị, họ nếm cái gì? Thức ăn ở nước ngoài lạt và không có vị. Đồ gia vị là đựng trong chiếc lọ nhỏ bày ngay trước mắt, bạn tự mình nêm nếm, cho nên nó không có vị. Bạn ra nước ngoài để ăn đồ ăn, nó đều là đồ luộc cả, không có mùi vị gì. Nhưng mà những đồ gia vị đó đều bày ngay trước mắt, bạn tự mình nêm nếm. Làm vậy rất có đạo lý. Khẩu vị của mỗi người khác nhau, nếu họ nêm nếm mùi vị xong, thì bạn bị họ chi phối. Tôi tự mình nêm nếm là bản thân tôi làm chủ, tôi thích ăn vị đậm đà một chút, hoặc là nhạt một chút, tôi có chủ quyền. Người ta làm sẵn cho bạn rồi, bạn không còn chỗ nào để lựa chọn, đành phải ngoan ngoãn nghe theo sự an bày của họ. Cho nên điều này tôi cảm thấy nước ngoài hay hơn Trung Quốc. Thức ăn họ nấu ra là do luộc chín, dầu và muối thảy đều không có. Ở Trung Quốc trước đây trong việc cúng tế cũng là như vậy, cũng là không nêm nếm. Đây là tâm cung kính đích thực. Chú trọng về mặt ẩm thực, thì cần phải biết đạo lý này.

“NHƯ HỮU VI THỰC CẬP BẤT TINH CẦN, THỊ MẠNG CHUNG NHÂN LIỄU BẤT ĐẮC LỰC”

(Nếu như ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng, thời người chết đó trọn không được mảy phước nào cả).

Những thứ cúng dường này của bạn họ không được một mảy may phước nào cả. “Vi thực” là gì? Là chưa có cúng dường Phật Tăng, bạn đã ăn trước rồi, bạn đem thức ăn thừa của bạn cho người khác. Đừng nói đối với Phật Bồ-tát mà đối với quỉ thần, đối với người cũng không cung kính. Hoặc là “Bất tinh cần” (không được tinh sạch), tức là bạn không nghiêm túc làm việc này, không có thành ý, không có tâm cung kính làm việc này. Nên người chết này cũng không được lợi ích, không nhận được sự giúp đỡ của bạn. Nếu như chúng ta cúng Phật, khi cúng ngọ cúng Phật, nếu như có vi phạm, như thế thật sự là có tội với Phật Bồ-tát. Nhưng Phật Bồ-tát đại từ đại bi, tuyệt đối sẽ không trách bạn. Phật Bồ-tát không trách bạn, nhưng thần hộ pháp chán ghét bạn. Thần hộ pháp là phàm phu, họ không phải là Phật Bồ-tát, nên người gây phiền phức đều là thần hộ pháp. Bạn làm rất đúng như pháp, rất cung kính, thì thần hộ pháp cũng cung kính với bạn. Bạn làm không đúng như pháp thì thần hộ pháp cũng sẽ ghét bỏ bạn. Cho nên đạo lý này nhất định phải biết. Chúng ta thường ngày không phải lúc giảng Kinh, quý vị cũng phải thấu tình đạt lý, nhìn thấy người khác làm vậy cũng đừng nói, nói sẽ có lỗi với họ. Ai chịu tin bạn chứ? Người thế gian đều làm như vậy cả mà, họ cảm thấy họ không có làm sai. Nếu bạn nói họ, họ sẽ nói bạn là nhiều chuyện. Việc gì chúng ta phải gây xích mích với họ? Giảng Kinh, là đức Phật nói ở trong Kinh, họ nghe vậy thì không có gì để nói, là do Phật nói chứ không phải tôi nói, tôi không có kiếm chuyện với anh, là Phật dạy chúng ta làm như vậy. Cho nên chúng ta đọc Kinh, nghe Kinh phải giác ngộ, phải biết mình cần phải cải tiến như thế nào. Cải tiến chính là tu hành, là điều chỉnh hành vi sai lầm của chúng ta. Bên dưới nói:

“NHƯ TINH CẦN HỘ TỊNH”

(Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch)

Chúng ta làm một cách chân thành cung kính, làm chay đúng như lý như pháp. Nói thực ra làm chay, ăn uống mỗi ngày chính là làm chay. Ý nghĩa đích thực của chữ “Trai” là ăn một bữa giữa ngày. Chúng ta hiện nay mỗi ngày ăn ba bữa, ba bữa chưa đủ buổi tối còn phải ăn khuya nữa, còn phải ăn mấy bữa điểm tâm, một ngày ăn bảy tám lần. Nói thực ra là hơi quá. Nhưng chịu thật thà niệm Phật, thì thần hộ pháp cũng sẽ tha thứ cho bạn, họ mắt nhắm, mắt mở, nếu bạn chịu niệm Phật thì thôi, tốt rồi. Nếu như không chịu niệm Phật nữa thì thần hộ pháp phải chỉnh bạn. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ đạo lý này. Tu hành đúng như lý như pháp, thật sự là chư Phật hộ niệm, long thiên tôn kính bạn. Cho nên tinh cần hộ tịnh.

“PHỤNG HIẾN PHẬT TĂNG”

(Đem dâng cúng cho Phật cùng Tăng)

Chữ “Tăng” ở chỗ này quý vị phải nhớ kỹ, không phải chuyên chỉ cho người xuất gia. Ngài là nói nghĩa rộng. Tăng là chúng hòa hợp. Đệ tử của đức Phật bất kể là tại gia hay xuất gia, bốn người cộng tu với nhau, tuân thủ lục hòa kính, đây bèn gọi là tăng chúng, gọi là tăng đoàn. Hầu hết mọi người hiện nay khi nhìn thấy chữ Tăng đều cho là người xuất gia, ý nghĩa là bị sai lệch rồi. Tức là đối với người xuất gia thì tôn trọng, còn đối với người tại gia thì không tôn trọng, chúng ta sai rồi. Có một số người tại gia thật sự là tu lục hòa kính, vậy mà chúng ta lại lơ là. Người xuất gia chưa chắc là tu lục hòa kính. Cách hành xử của chúng ta là điên đảo rồi. Cho nên chữ Tăng ở chỗ này phải khẳng định chính là chỉ tăng đoàn hòa hợp, bất kể là tại gia hay xuất gia. Người thật sự phát tâm tu hành, người rõ lý, họ là Tăng thật sự. Những cách xưng hô trong nhà Phật này, chúng ta phải biết rõ ràng. Đối với thân phận người xuất gia, chỉ có Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, Sa Di, Sa Di Ni, đây là người xuất gia. Còn lại xưng là Pháp sư, hay Hòa thượng, xưng là A-xà-lê, trong đó đều không có phân chia xuất gia hay tại gia gì cả. Người tại gia cũng xưng là Hòa thượng. Ý nghĩa của chữ Hòa thượng là gì? Chữ Hòa thượng là dịch âm tiếng Phạn. Ý nghĩa của nó là thân giáo sư. Tức là ngày nay chúng ta gọi là thầy giáo. Thầy trực tiếp dạy ta, Ấn Độ xưa xưng là Hòa thượng. Người không phải trực tiếp dạy ta, giống như chúng ta ở trong trường học vậy, đi học ở trong một ngôi trường, thì thầy giáo rất nhiều, có một số thầy cô dạy ta, có một số thầy cô không có dạy ta. Họ là thầy cô trong trường chúng ta, rất nhiều, nhưng không dạy ta, chúng ta cũng quen gọi là thầy. Ở trong Phật pháp, người không có dạy chúng ta thì xưng là A-xà-lê, xưng là Pháp sư. Người trực tiếp hướng dẫn chúng ta xưng là Hòa thượng. Hoà thượng quan hệ với chúng ta vô cùng mật thiết. Thông thường hầu hết trụ trì các Tự Viện xưng là Hòa thượng, là giống như hiệu trưởng trong trường học vậy. Tuy hiệu trưởng không có dạy lớp của bạn, nhưng vẫn là trực tiếp dạy bạn. Bởi vì họ chủ trì chính sách giáo dục, sắp xếp chương trình, họ mời những vị thầy giáo đó là đại biểu cho họ đến dạy bạn. Trên thực tế họ là thân giáo sư, họ phải chịu trách nhiệm dạy học. Những vị thầy dạy trên lớp chỉ là người chấp hành mà thôi. Ở trong Phật pháp cũng có thể gọi chung là A-xà-lê. Ở trong A-xà-lê có người dạy ta, có người không có dạy ta. Cho nên tại gia hay xuất gia, già trẻ nam nữ đều có thể xưng là Hòa thượng. Pháp sư cũng là tên thường gọi, tại gia hay xuất gia cũng có thể xưng hô được. Thuật ngữ trong Kinh Phật, chữ Sa-môn cũng là tên thường gọi, tại gia hay xuất gia đều có thể xưng hô được. Nhưng trong thói quen của người Trung Quốc hiện nay, những danh từ này đều để xưng người xuất gia, thực ra là cách gọi chung. Những việc này chúng ta đều phải biết.

“TINH CẦN HỘ TỊNH, PHỤNG HIẾN PHẬT TĂNG, THỊ MẠNG CHUNG NHÂN THẤT PHẦN HOẠCH NHẤT”

(Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dâng cúng cho Phật cùng Tăng, thời trong bảy phần công đức người chết hưởng được một phần).

Bảy phần công đức họ được một phần. Nếu như chúng ta làm không đúng như pháp, thì một phần cũng không nhận được. Cho nên nhất định phải nuôi dưỡng loại tâm thành kính mỗi ngày. Chúng ta không chỉ là đối với Phật Bồ-tát, đối với những người tu hành, mà đối với tất cả chúng sanh cũng phải tu tâm thành kính, chúng ta đứng ra làm sự việc này, thì hiệu lực công đức sẽ rất lớn.

“THỊ CỐ TRƯỞNG GIẢ, DIÊM PHÙ CHÚNG SANH NHƯỢC NĂNG VỊ KỲ PHỤ MẪU, NÃI CHÍ QUYẾN THUỘC, MẠNG CHUNG CHI HẬU, THIẾT TRAI CÚNG DƯỜNG, CHÍ TÂM CẦN KHẨN, NHƯ THỊ CHI NHÂN, TỒN VONG HOẠCH LỢI”.

(Này ông Trưởng Giả! Vì thế nên những chúng sanh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người thân quyến chết, nếu có thể làm chay cúng dường, chí tâm cầu khẩn thời những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều đặng lợi ích cả).

Lợi ích mà người còn sống được là sáu phần bảy, còn người chết được một phần bảy. Lý và sự chúng ta cần phải hiểu rõ. Về sự, Bồ-tát ở chỗ này chỉ nêu ra một việc này. Phương pháp tu phước cho người chết rất nhiều, rất nhiều, không sao kể xiết. Chỗ này chúng ta tổng kết một cái cương lĩnh quan trọng chính là thành kính. Bất kể tu loại phước nào, đều phải “tinh cần hộ tịnh” (kỹ lưỡng gìn giữ cho tinh sạch). Bốn chữ này vô cùng quan trọng. Tinh là thuần khiết chứ không xen tạp. Tịnh là nói trong sạch không ô nhiễm. Cho nên dùng tiền phải dùng tịnh tài. Thật sự là tiền của mình xứng đáng có được, thì chúng ta bố thí mới có công đức, mới có hiệu quả. Nếu như là tiền của bất nghĩa, nghĩa là lấy của người khác làm đẹp cho ta, vậy là không được. Đây là bất tịnh, là không thanh tịnh, không phải tịnh tài. Bạn dùng loại tiền của này để tu phước thì không được phước. Cho nên phải hiểu cho thật rõ ràng, minh bạch.

“THUYẾT THỊ NGỮ THỜI, ĐAO LỢI THIÊN CUNG, HỮU THIÊN VẠN ỨC NA-DO-THA DIÊM PHÙ QUỈ THẦN, TẤT PHÁT VÔ LƯỢNG BỒ-TÁT CHI TÂM”.

(Lúc Ngài Ðịa Tạng nói lời này, tại cung trời Ðao Lợi có số nghìn muôn ức na-do-tha Quỉ Thần cõi Diêm-Phù-Ðề đều phát tâm Bồ-Ðề vô lượng).

Bồ-tát Địa Tạng và Bồ-tát Phổ Quảng tu phước báo lớn. Lớn ở chỗ nào vậy? Một người hỏi một người đáp như vậy, thì đại chúng tham dự pháp hội sau khi nghe được, có nhiều chúng sanh phát tâm Bồ đề như vậy, công đức là ở chỗ này. Cho nên phần trước nói thỉnh Tăng chuyển Kinh. Ý nghĩa của chữ Tăng ở chỗ này mọi người biết, không nhất định là người xuất gia, mà người tại gia cũng được. Thỉnh những vị pháp sư này giảng Kinh, hoặc là người tại gia, hoặc là người xuất gia đều được. Thông thường trong thói quen của chúng ta, người tại gia giảng Kinh nhất định phải thọ giới Bồ-tát mới phù hợp với lời Phật nói trong Kinh. Không phải là người Bạch Y thuyết pháp. Bạch Y là người chưa có thọ giới. Thọ giới Bồ-tát họ mới có thể đắp Mạn Y, đây là không phải Bạch Y. Chưa thọ giới Bồ-tát thì không được phép đắp Mạn Y. Hiện nay có rất nhiều nơi, nói thọ Ngũ Giới là có thể đắp Mạn Y, vậy là sai lầm, tuyệt đối không được phép. Thọ giới Bồ-tát mới được đắp y, mới là Tăng đoàn, mới được xem là Tăng chúng. Thọ giới Bồ-tát, bạn thăng tòa giảng Kinh, bạn mới không bị người ta phê bình. Đây nhất định phải thọ giới Bồ-tát mới được đắp y, điều này chúng ta phải nhớ kỹ. Thọ Ngũ Giới tuyệt đối không có y, nhưng mặc áo tràng thì không có sao cả. Áo tràng là lễ phục của chúng ta thời xưa, người nào cũng có thể mặc được. Bạn chưa có thọ quy y cũng có thể mặc được, đây là trang phục xưa     . Đây là lễ phục trước đây của người có ăn học mặc vào thời triều Hán, là lễ phục của thời triều Hán. Người tại gia phần lớn là có thêu hoa văn, người xuất gia      thì không có hoa văn, màu trơn. Khác biệt là ở chỗ này.

“ĐẠI BIỆN TRƯỞNG GIẢ, TÁC LỄ NHI THOÁI”

(Ông Trưởng Giả Ðại Biện vui mừng vâng lời dạy, làm lễ mà lui ra).

Chúng ta cũng làm lễ mà lui ra.

**********************************

Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện (tập 27)

Người giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Địa Điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: Tháng 5, năm 1998

Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ

Chứng minh : Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 448


Hôm nayHôm nay : 44619

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1313081

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 45181812

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.